Site icon ONBET

V-League trở lại, nhân tài bóng đá Việt nơi đâu?

V-League trở lại, nhân tài ở đâu? - Ảnh 1.

Mùa giải 2024/2025 sẽ mở rộng đăng ký 2 suất cầu thủ Việt kiều ở mỗi CLB, đồng nghĩa với số lượng cầu thủ có nguồn gốc nước ngoài sẽ nhiều hơn ở mỗi trận đấu tại V-League. Động thái này được xem là “dọn đường” để tìm kiếm thêm tài năng cho các đội tuyển quốc gia trong bối cảnh mà việc sử dụng cầu thủ nhập tịch vẫn chưa được bàn đến.

Cầu thủ Việt kiều được tính thành suất “nội binh”, tương tự với cầu thủ nhập tịch, và như vậy nếu tận dụng hết quy định thì một CLB tại V-League có thể tung ra sân 6 cầu thủ có gốc nước ngoài (3 ngoại binh + 1 nhập tịch + 2 Việt kiều). Điều này dẫn đến việc thu hẹp không gian dành cho cầu thủ trong nước, nhưng thẳng thắn mà nói, chúng ta không thể “chống” lại xu hướng này trong tiến trình chuyên nghiệp hóa bóng đá. Từng có những chính sách “bảo hộ” cực đoan được áp dụng trước kia, hạn chế tối đa ngoại binh, nhưng cũng chưa có kết quả tốt hơn cho chất lượng cầu thủ trong nước.

V-League cần có một “đời sống” riêng, và ngay trận đấu đầu tiên của mùa giải, đã cho thấy điều đó. Nhà vô địch Nam Định không có Vua phá lưới Rafaelson, người có thể sẽ mang tên Nguyễn Xuân Sơn nếu thủ tục nhập tịch hoàn thành kịp thời gian đăng ký, đã bất ngờ để thua chủ nhà Hà Tĩnh. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi do công của Adou Leygley Minh, một cầu thủ Việt kiều.

Việc cho phép các đội bóng đăng ký thêm cầu thủ Việt kiều có lẽ là giải pháp mang tính chiến lược của các nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Chúng ta mở khá nhiều cánh cửa trên các đội tuyển cho những chàng trai có dòng máu Việt Nam, nhưng đến nay, cũng chỉ mới có 2 thủ môn Đặng Văn Lâm và Filip Nguyễn.

Phương án tìm kiếm nguồn cầu thủ Việt kiều rồi đưa thẳng về các đội tuyển không phải là cách làm đúng. Một vài buổi tập không thể đánh giá được chất lượng của họ, chỉ khi nào họ có chỗ đứng tại môi trường V-League thì mọi thứ mới hợp lý.

Hay nói cách khác, dù rất mong muốn có được những Việt kiều chơi bóng giỏi nhưng bóng đá Việt Nam đối diện với bài toán khó, đó là không có nhiều người chơi bóng ở trình độ cao, kiểu như Filip Nguyễn, để chỉ cần hoàn thiện thủ tục pháp lý là khoác áo đội tuyển được ngay.

Chúng ta đành phải chọn “con đường” mà Đặng Văn Lâm đã đi, tức là trưởng thành từ môi trường V-League. Đây chính là điểm khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và cách làm nhập tịch của Indonesia. Nguồn cầu thủ của đội tuyển xứ Vạn đảo tốt hơn chúng ta nên tốc độ sử dụng cầu thủ nhập tịch của họ cũng nhanh hơn.

Quay trở lại với chuyện cầu thủ ngoại trên sân cỏ V-League. Có thể thấy là mong muốn tìm kiếm tài năng trẻ từ đấu trường số 1 quốc gia đang rơi vào trạng thái bế tắc. Trong 3 trận đầu tiên của mùa diễn ra hôm thứ Bảy, chúng ta thấy một Nguyễn Trọng Hoàng tưởng đã nghỉ hưu lại đeo băng đội trưởng của Hà Tĩnh, cùng với 3 ngoại binh và 1 cầu thủ Việt kiều, dẫn dắt Hà Tĩnh vượt qua Nam Định.

Trong khi đó, ở sân Hàng Đẫy, người ghi bàn duy nhất đem về 3 điểm cho Hà Nội FC lại là Văn Quyết với cú sút ngoài 20m đầy bất ngờ. Họ là những người thuộc “thế hệ lạc lối” 2011-2015, ấy thế mà vẫn đang chơi bóng ở đẳng cấp cao trong bối cảnh CLB của họ chưa thể tăng thêm sức trẻ trong đội hình.

Họ còn chơi tốt, còn đóng vai trò quyết định, có nghĩa là bóng đá Việt Nam vẫn đang thiếu nhân tài và vì thế, tăng thêm suất Việt kiều cũng là một cách để tìm thêm người cho đội tuyển quốc gia. Lý do là bởi nói cho cùng, bóng đá Việt Nam cần thêm gương mặt mới chứ không phải là tìm cách làm mới các gương mặt cũ.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ